Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

REVIEW: Kem dưỡng ẩm giá rẻ Simple Hydrating Light Moisturiser

  Hè đến rồi, những ai có nỗi lo da dầu nhưng vẫn khô như tớ thì chắc hẳn đều tăm tia em Clinique Moisturizing Gel - Kem dưỡng ẩm Clinique, nhưng mà bệnh viêm màng túi thì quá dai dẳng và hầu như không có thuốc chữa :(( nên tớ đành phải tìm một sản phẩm vừa túi tiền hơn thay thế! Vì thế hôm nay tớ sẽ review về một sản phẩm kem dưỡng ẩm cũng khá nổi tiếng gần đây đó là Simple Hydrating Light Moisturiser.

  Simple là một brand thuộc tập đoàn Unilever nổi tiếng toàn cầu, brand này hướng đến sự đơn giản bằng cách kết hợp hợp lí và hiệu quả các nguyên liệu đơn giản tạo nên sản phẩm lành tính và phù hợp cho mọi loại da. Sản phẩm Simple Hydrating Light Moisturiser dành cho da hỗn hợp đến da dầu, dùng được cho da nhạy cảm, được bổ sung 2 loại Vitamin rất quen thuộc là Vitamin B5 và Vitamin E cùng với 2 thành phần yêu thích của làn da là Glycerin và Borage seed oil. Tất cả thành phần đều cực phổ biến, không có gì cao cấp hay quý hiếm cả, nhưng theo như hãng nói thì sẽ kết hợp với nhau để đạt được hiệu quả cao! Vậy cùng tớ đọc tiếp review về em Simple Hydrating Light Moisturiser này xem có đúng không nhé!

 ♡ Packaging

  Dạng chai - chính xác đấy ạ! Lần đầu tớ mới thấy kem dưỡng được để trong chai nhựa khá đơn giản, dày dặn :)) không hiểu ý đồ của hãng là gì. Nhưng mà cũng tương tự như dạng tuýp vì bên trên là nắp bật chắc chắn và lỗ nhỏ để lấy sản phẩm.


  Tớ lại khá thích kiểu thiết kế này vừa sạch sẽ lại có thể lấy được đến giọt cuối cùng. Tuy nhiên mọi người nên đặt nắp của sản phẩm hướng xuống dưới để khi lấy dễ dàng hơn, tránh bóp quá mạnh khiến không kiểm soát được lượng kem lấy ra.

 ♡ Thành phần

Aqua, Glycerin, Paraffinum Liquidum - Mineral Oil, Polyglyceryl-3 Methylglucose Distearate, Cetyl Palmitate, Dimethicone (một lại Silicone phân tử lớn không có khả năng gây bít lỗ chân lông), Cetyl Alcohol, Panthenol, Borago Officinalis Seed Oil, CarbomerPotassium Hydroxide, Bisabolol, Methylparaben, Pentylene Glycol, Tocopheryl AcetateAcrylates/C10-30 Alkyl Acrylate Crosspolymer, Disodium EDTA, Propylparaben, Lactic AcidSodium Lactate, Mica, 2-Bromo-2-Nitropropane-1,3-Diol, Serine, Sorbitol, Urea, Titanium Dioxide, Sodium Chloride, Allantoin, Pantolactone.

  Mới đây tớ mới phát hiện ra có Mineral Oil - dầu khoáng đứng ở ngay vị trí thứ 3 của bảng thành phần, nhưng hãng đã  rất khôn khéo khi dùng cái tên Paraffinum Liquidum để thay cho Mineral Oil, bạn nào da dị ứng với Mineral Oil thì nên tránh sản phẩm này ra nhé, những ai da đang có mụn thì cũng phải cân nhắc ạ! Ngoài ra còn có 2 dẫn xuất Paraben làm chất bảo quản nữa. Tóm lại mặc dù hãng PR sản phẩm dựa vào thành phần đơn giản mà hiệu quả, nhưng để ý kĩ lại thì bảng thành phần lại không hề đẹp chút nào.

  Điểm cộng là không có chất tạo màu và hương liệu nên ai dị ứng với 2 thành phần trên có thể yên tâm sử dụng.

  ♡ Kết cấu

  Chất sản phẩm Simple Hydrating Light Moisturiser không phải dạng gel - cream như Clinique Moisturizing Gel mà hoàn toàn là dạng kem, thậm chí là khá đặc. Cá nhân tớ thấy đặc và hơi có thiên hướng giống sáp, nếu so sánh thì tớ thấy chất kem này khá giống với chất của em Benton Snail Bee High Content Steam Cream nhưng mỏng và trong hơn một chút, nên tớ đã khá lo ngại về khả năng thẩm thấu của em nó và cũng khá thất vọng về chất kem vì khi đoc tên sản phẩm thì tớ nghĩ em ấy là dạng gel mọng nước cơ.

Chất kem trắng và bóng mịn, tuy nhiên khá đặc! Như các cậu thấy thì kem có độ đứng và giữ được hình dáng khi ở trên tay tớ!

  Vì sản phẩm không có hương liệu nên hầu như không có mùi, chỉ hơi nhẹ mùi nguyên liệu.

  ♡ Cảm nhận khi sử dụng 

  Bây giờ là phần quan trọng nhất đây! Sau một thời gian sử dụng theo 2 cách thì tớ nhận thấy vài đặc điểm của em nó.

  - Nếu apply trực tiếp kem lên da, thì như tớ đã nói do chất kem khá đặc nên sẽ thấm lâu hơn, độ dưỡng ẩm sẽ  tăng lên, vì vậy sẽ phù hợp với vùng da khô.

  - Cách thứ 2 là cho kem ra lòng bàn tay và xoa nhẹ 2 lòng bàn tay vào nhau, dưới sức nóng kem sẽ "tan chảy" ra và thấm vào da rất nhanh, cảm giác cũng thoáng nhẹ hơn hẳn so với khi apply trực tiếp lên da, vì vậy nên cách này phù hợp với vùng da dầu như vùng chữ T chẳng hạn.

Khi kem thấm hết thì để lại không bóng cũng không lì, như chưa apply gì lên mặt cả.

  - Sản phẩm mặc dù tên là Hydrating nhưng tớ thấy thiên về dưỡng ẩm nhiều hơn, gần như không hề thấy tác dụng cấp nước của em nó.

  Khi so sánh với Clinique Moisturizing Gel thì rõ ràng em này sẽ thua trông thấy.

  + Ở hạng mục cảm nhận khi apply lên da: Với em này thì khi apply theo cả hai cách thì nhìn chung thì cảm giác mang lại cho da không mát và fresh như của Clinique. Riêng Simple sau khi vừa apply xong sẽ cảm thấy da hơi bí, nhưng sẽ nhanh chóng mất đi khi kem thấm hoàn hoàn.

  + Ở hạng mục độ dưỡng ẩm: Mặc dù hãng có cảm kết dưỡng ẩm lên đến 12h nhưng đừng tin nhé! Nếu hôm nào trời ẩm thì không sao, nhưng khi trời khô hanh thì chỉ sau vài tiếng là tớ đã có cảm giác da ở vùng má hơi căng rồi, với Clinique lại không vậy! Tuy nhiên thì phải nói độ dưỡng ẩm của em Simple cao hơn của Clinique nhưng thời gian duy trì tác dụng dưỡng ẩm thì Simple lại thua. Tóm lại là phù hợp dùng vào mùa hè.

  + Ở hạng mục nhẹ, thoáng: Với Clinique thì có vô ý lấy nhiều sản phẩm một chút cũng không sao vẫn nhẹ, thoáng và thấm nhanh, nhưng với Simple thì không, vô tình lấy nhiều hơn lượng cần thiết mà lại vào đúng hôm trời nóng thì cảm giác da bí hơn hẳn, đồng nghĩa với việc đổ dầu nhiều hơn. Nên tớ có lời khuyên là hãy luôn cẩn thận lấy lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của da, nếu muốn dùng lượng sản phẩm nhiều hơn mà không muốn bị bí da thì nên chia ra thành 2-3 lần apply, sản phẩm sẽ dễ thấm hơn rất nhiều.

  + Ở hạng mục sau apply: Sau khi kem thấy hết thì để lại bề mặt da thoáng, đủ ẩm, nhưng không mềm mịn được như Clinique, mặc dù em Simple này cũng có Dimethicone.

  -> Hầu như ở tất cả các hạng mục Simple đều thua Clinique nhưng cũng dễ hiểu thôi nhỉ :)) tiền nào của nấy mà! Simple lại thắng thế ở 1 hạng mục vô cùng lớn là giá tiền

  Còn về các tác dụng khác như sáng da, đều màu, .... đến từ Vitamin E, B5 các thứ thì tớ hoàn toàn không thấy tác dụng gì, đơn thuần đây chỉ là một loại kem dưỡng ẩm chân chính cho da thôi! Nhưng đừng vội coi thường tác dụng của em nó nhé ^^ dưỡng ẩm là bước vô cùng quan trọng đó, nhiều người thậm chí chỉ cần dưỡng ẩm đầy đủ cho da là đã có một làn da thách thức thời gian rồi đấy!

  ♡ Kết luận



  Ưu điểm:

  + Giá quá rẻ so với 125ml sản phẩm, tớ nhớ không nhầm chỉ đâu đó 200k - còn rẻ hơn cả Hada Labo made in Việt Nam nên rất phù hợp với sinh viên.

  + Không gây nhờn, rít hay kích ứng, phù hợp sử dụng vào mùa hè.

  + Độ dưỡng ẩm tuỳ theo cách sử dụng nên phù hợp với cả da dầu lẫn da hỗn hợp và da thường.

  Nhược điểm:

  + Bảng thành phần không được đẹp cho lắm khi có sự xuất hiện của Mineral Oil.

  + Chất kem khá bình thường, thậm chí là gây thất vọng so với cái tên Hydrating.

  + Thời gian dưỡng ẩm không được lâu như hãng hứa hẹn.

  Vậy lời khuyên của tớ là gì? Nếu cậu có tiền thì  Clinique Moisturizing Gel thẳng tiến, không cần đắn đo, còn nếu đang eo hẹp như tớ thì Simple Hydrating Light Moisturiser là lựa chọn không tồi!

Chấm điểm: 8/10 điểm cộng lớn nhất nằm ở mức giá quá tốt :3 nhưng nếu bỏ qua giá cả, thực sự cảm nhận thì tớ chỉ cho 7.5/10 thôi, vì cảm nhận khi dùng không thực sự làm tớ hài lòng.


Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

REVIEW: Mặt nạ đất sét Freeman - Dead Sea Minerals Anti-Stress Mask

  Hello mọi người! Không khí nóng nực đã thực sự gõ cửa Hà Nội rồi :(( tớ thì cực ghét cái nóng nực của mùa hè, da cứ tiết dầu không ngớt, lúc nào cũng ngợp ngạp hết cả thậm chí kể cả khi rửa mặt xong vẫn thấy không đủ sạch. Vì thế một sản phẩm mask đất sét là cực kì cần thiết cho da tớ lúc này, để hút hết lũ bã nhờn đáng ghét kia! Thực ra là tớ đã mua em Dead Sea Minerals Anti-Stress Mask của Freeman này từ hồi mùa xuân, vì da tớ bắt đầu đổ dầu từ hồi mùa xuân rồi :(( Nào cùng tớ đọc review về sản phẩm nhé!

  ♡ Packaging 

  Tuýp mask to oạch 175ml, thiết kế thì cực kì làm tớ hài lòng, kiểu trông rất là mát mẻ ấy. Tuy nhiên điểm trừ to lớn của các sản phẩm dạng tuýp có nắp bật là bẩn, mask cứ bị dây lung tung ra phần nắp.



Trên bao bì thì đương nhiên có đầy đủ thông tin như công dụng, bảng thành phần, ...


  ♡ Thành phần

Water/Aqua/Eau, Bentonite, Kaolin, Propylene Glycol,Sea Salt, Sodium Chloride, Algae Extract, Artemisa Vulgaris, Lavandula Angustifolia (Lavender) Oil, Citrus Aurantium Bergamia (Bergamot) Fruit Oil, Tocopherol, Magnesium Aluminum Silicate, Titanium Dioxide, Sodium Polyacrylate, Diazolidinyl Urea, Methylparaben, Propylparaben, Methylchloroisothiazolinone, Methylisothiazolinone, Methylisothiazolinone, Fragrance (Parfum), Butylphenyl Methyl Propional (Lilial), Linalool, Hydroxymethylpentyl 3-Cyclohexene Carboxaldehyde (Lyral), Blue 1 (CI 42090).

  Thành phần chính đóng vai trò hút bã nhờn là Bentonite và Kaolin, Kaolin - đất sét trắng thì chắc hẳn quá quen thuộc với mọi người rồi nhỉ, còn Bentonite cũng là một loại đất sét, chất này được khai thác từ đáy biển sâu và cũng có tác dụng rất tốt trong việc hút dầu nhờn. 
  Ngoài ra còn có muối biển, muối biển sâu (Sodium Chloride), các loại chiết xuất cung cấp các khoáng chất từ biển sâu.

  Điểm cộng của sản phẩm là không chưa Paraben, cũng như các thành phần nhạy cảm khác, hạn chế nguy cơ gây kích ứng với da nhạy cảm.

  ♡ Kết cấu




  Chất mask màu xanh nước biển nhưng hơi đậm, cực kì mềm mịn và đặc biệt là mọng nước, khi apply lên da thì cũng rất dễ tán, nhưng lại không dễ dàn đều, thường thì tớ phải thoa 2-3 lần mới dàn đều sản phẩm trên da được. Nói chung là chất mask làm tớ hài lòng, ngoại trừ vụ khó tán đều có lẽ là do sản phẩm chứa nhiều nước. Mùi hương của sản phẩm phải nói khá nồng và là mùi hương hoá học chứ không mang hơi hướng thiên nhiên, với ai nhạy cảm với hương liệu thì nên cân nhắc nhé, vì tớ phải công nhận mùi của em nó khá nồng, kiểu mùi thơm ngọt ngọt, có chút the mát, nhưng tớ dùng quen thì lại thấy hơi "thích" mùi này.

  ♡ Cảm nhận khi sử dụng

  Lúc tán mask lên mặt, tớ cảm thấy khá mát và dễ chịu, vì mask chứa nhiều nước, nhưng chỉ khoảng 5' sau là bao nhiêu nước bốc hơi hết :)) tớ hoảng luôn ấy, vì nghĩ là sản phẩm mọng nước nên sẽ lâu khô. Lúc khô thì lại kinh hoàng hơn, thú thực tớ chưa đắp một loại mask nào mà lại "đau" như thế, vì mask khô rất nhanh nên là khi cử động cơ mặt càng thấy đau hơn. Bạn nào mà có da mỏng nhạy cảm thì đặc biệt nên lưu ý đến độ "mạnh" của em nó. Nhưng mà chính nhờ khô nhanh nên hiệu quả hút nhờn càng rõ, có hôm tớ còn thấy rõ các chấm dầu nhờn ở mũi được hút lên hiện rõ lên lớp mask. Lúc rửa mask đi thì da khá nhẹ nhõm vì được hút bớt dầu nhờn nhưng không hề bị khô rát, thêm nữa là cảm giác ngay lúc rửa xong là da cực mịn, chưa bao giờ tớ thấy loại mask nào lại làm mịn da ngay sau khi sử dụng, rất là ảo diệu và đương nhiên là tác dụng ấy cũng mau chóng mất đi như lúc nó đến :)) Điểm cộng nữa là tuy lúc đắp thì đau nhưng chỉ cần táp nước lên là hết, mask cũng rất dễ rửa trôi.


Có thể thấy chất mask rất là mướt, tuy nhiên khó tán đều, chỗ dày chỗ mỏng

Khi khô thì bề mặt lì lại, gây đau da
  Tuy nhiên tác dụng của sản phẩm lại hơi làm tớ thất vọng, vì chỉ đơn thuần là hút dầu nhờn, không hơn không kém. Trong khi đó nhu cầu của tớ là hút dầu nhờn, thải độc và kiểm soát mụn, thì sản phẩm chỉ đáp ứng được duy nhất 1 yêu cầu. 

  * 1 tip tớ vẫn hay dùng để tăng thêm hiệu quả trị mụn là trộn mask với 1 chút tinh bột nghệ và 1-2 giọt tinh dầu tràm trà.

  Kết luận 

  Ưu điểm:
  + Giá cực rẻ, tầm 200k cho tận 175ml sản phẩm, tớ dùng 3-4 tháng mà vẫn còn 1/3 tuýp.

  + Khả năng hút dầu nhờn tốt, làm mịn da ngay sau khi sử dụng.

  Nhược điểm:
+ Khả năng hút dầu nhờn mạnh nên gây "đau" khi đắp, không phù hợp với làn da mỏng, nhạy cảm.

+ Tác dụng hạn chế, chỉ đơn thuần là hút dầu nhờn.

  Chấm điểm: 8/10 tuy chỉ có tác dụng duy nhất là hút nhờn, nhưng lại có điểm cộng to lớn ở mức giá rất phải chăng. Nếu ai da dầu khoẻ đang cần 1 sản phẩm hút dầu nhờn tốt ở tầm giá thì em này là một sự lựa chọn hợp lí ^^




Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

REVIEW: Sữa rửa mặt Hada Labo Advanced Nourish Cleanser

  Trong chu trình dưỡng da hàng ngày tớ luôn luôn đề cao tầm quan trọng của việc làm sạch da, vì vậy mà tìm được một sản phẩm sữa rửa mặt tốt và phù hợp với da của mình là vô cùng quan trọng. Tớ có một người tình dấu mặt gắn bó suốt từ năm lớp 9 đến giờ tuy nhiên lại chưa bao giờ được lên sóng trên blog :) nghĩ cũng tội em ấy, nhưng thôi không sao, tớ hứa sẽ cho em ấy lên sóng vào một ngày sớm nhất nhé!



  Trở lại vấn đề, do dạo này tớ đã hết loại sữa rửa mặt cũ nên đành tìm "tạm" một loại nào đó để chữa cháy. Tuy nhiên cũng không thể vì thế mà không tìm cho hẳn hoi được, tiêu chí của tớ là nhẹ nhàng, dễ mua và đương nhiên là phù hợp túi tiền nữa :)) Nên tớ ra Vinmart và tìm được sản phẩm Hada Labo Advanced Nourish - khá là ưng ý khi đọc bảng thành phần, chỉ có đắn đo về khoản dưỡng ẩm sâu của sản phẩm với một đứa da dầu như tớ! Ai mà đang đắn đo về sản phẩm thì lăn chuột xuống đọc review chi tiết của tớ nhé.




  Hada Labo dạo gần đây đã quá nổi tiếng phải không ạ? Không chỉ hot ở các sản phẩm được quảng cáo trên Tivi mà các sản phẩm xách tay nội địa Nhật cũng được ca tụng hết lời, tớ thì lại đứng ngoài cuộc và cho đến giờ thì Hada Labo Advanced Nourish là sản phẩm đầu tiên của Hada Labo tớ dùng. Nói qua về sản phẩm Hada Labo Advanced Nourish thì loại tớ mua là của hãng ở Việt Nam, tớ thấy dòng này cũng có sản phẩm nội địa Nhật nhưng thú thực mức giá xách tay về Việt Nam thì không hề rẻ chút nào, nên thôi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

  ♡ Packaging






  Bao bì của sản phẩm khá đơn giản nhưng lại đẹp và dịu mắt, vì phong cách hãng là đơn giản và hoàn hảo mà. Dạng tuýp thì cũng tạm chấp nhận được, tớ thích dạng vòi pump hơn, vì cái nắp của tuýp cứ làm dây sản phẩm bên trong ra thôi, không vệ sinh gì cả. Đương nhiên mặt sau có đầy đủ thông tin của sản phẩm như cách dùng, tác dụng, thành phần, .... và bằng tiếng Việt :))

  ♡ Thành phần

Water, Glycerin, Sodium Cocoyl Glycinate (chất làm sạch - an toàn), Butylene Glycol, Cocamidopropyl Betaine, Hydroxypropyl Starch Phosphate, PEG-20M, Lauryl Glucoside, Sodium Lauroyl Aspartate, Potassium Cocoyl Glycinate, Sodium Stearoyl Glutamate, Sodium Acetylated Hyaluronate - Hydrolyzed Hyaluronic Acid - Hydroxypropyltrimonium HyaluronateCananga Odorata (Ylang Ylang) Flower Oil, Polyquaternium-7, Polyquaternium-52, Hydroxypropyl Methylcellulose, PEG-32, Citric Acid, Lauric Acid, Stearic Acid, Glyceryl Stearate SE, PEG-60 Glyceryl Stearate, BHT, Disodium EDTA, Methylparaben, Propylparaben

  Bảng thành khá tốt khi không có hương liệu nhưng lại có 2 dẫn xuất Paraben là chất bảo quản, mong là sẽ sớm được thay thế bằng chất khác an toàn cho da hơn. Nhìn chung bảng thành phần khá an toàn, nhưng không thể loại bỏ hết nguy cơ gây kích ứng vậy nên da ai nhạy cảm thì nên lưu ý thử trước nhé, còn như tớ thì cứ dùng đại luôn ^^



  ♡ Độ pH (Từ nay tớ sẽ đáng giá thêm về độ pH khi review về các loại sữa rửa mặt ạ! )




  Độ pH loanh quanh khoảng độ 4-5 phù hợp cho làn da, không bị quá cao dễ làm hỏng lớp màng ẩm của da, không quá thấp làm da bị đỏ rát.


  ♡ Kết cấu


  Dạng kem đặc màu trắng tinh khôi, và do không có hương liệu nên mùi cũng rất nhẹ mùi của các thành phần, rất nhẹ nhàng thôi chứ không phải mùi hoá học hay thuốc gì đâu nhé!

   Tuy nhiên tớ cảm thấy kết cấu của em nó không được đồng nhất, không phải là có hạt hay vón cục mà là cảm giác chất kem không được mịn mướt, hơi lổn nhổn do nguyên liệu chưa được nhũ hoá hoàn toàn với nhau. Nhưng không sao, miễn là không ảnh hưởng đến hiệu quả là okie.




Trên ảnh cũng thấy rõ chất sản phẩm không được đồng nhất, không biết là sản phẩm nào cũng thế hay là mỗi tuýp của tớ là bị như này nữa!


  Chất kem tạo bọt khá tốt, khi dùng tay không thì lượng bọt ở mức trung bình, nhưng tớ vừa dùng miếng lưới tạo bọt thì khác hẳn, bọt tạo ra nhiều và bông hơn hẳn. Túm váy lại là em nó đích thực là sữa rửa mặt tạo bọt, nên các cậu có dùng thì nên mua thêm cả miếng lưới tạo bọt nhé, với cả tớ thấy dùng tay không thì hao lắm lắm đấy!


Chỉ với một lượng nhỏ sữa rửa mặt như ở hình trên thì tớ đã đánh được lượng bọt đủ dùng cho cả khuôn mặt


  ♡ Cảm nhận khi sử dụng




  Tớ sẽ chia ra làm hai phần cảm nhận: Khi dùng tay không tạo bọt - Khi dùng miếng lưới tạo bọt.


  + Khi dùng tay không để tạo bọt nên bắt buộc tớ phải cho nhiều sản phẩm hơn để có được lượng bọt ưng ý, phải nói thêm là mức độ "nhiều" của tớ nó khá là khủng khiếp. Nhưng mà may quá là sản phẩm không làm da tớ khô rít. Khi rửa thì cũng rất nhanh sạch bọt, để lại cảm giác sạch vừa phải, không làm khô da nhưng cũng không dưỡng ẩm nhiều như tớ nghĩ. Nói thế nào được nhỉ? Da tớ sau khi rửa xong thì sạch, nhẹ, thoáng nhưng không ẩm tí nào.


  + Khi dùng miếng lưới tạo bọt thì tớ dùng ít sản phẩm hơn, bọt tạo ra cũng nhiều và bông hơn hẳn. Tuy nhiên lúc rửa thì thấy kì kì, vì bình thường rửa với sữa rửa mặt thì lúc massage phải thấy trơn trơn do có chất hoạt động về mặt, đằng này cảm giác lại lạ quá, y như là rửa với nước không, rít rít, tay không lướt trên mặt êm ru như lúc tạo bọt bằng tay. Nhưng được cái là lúc rửa xong thì tớ cảm thấy mặt sạch khi chỉ tạo bọt bằng tay, thấy rõ sự khác biệt luôn đó. Da cảm thấy sạch hơn, thoáng hơn, nhưng lại khô hơn, lúc trước thì độ ráo ở mức vừa như in, nhưng lúc này tớ cảm giác da hơi rít hơn 1 chút so với khi dùng tay tạo bọt mặc dù lúc trước tớ dùng lượng sản phẩm nhiều hơn.

Bọt bông và nhiều (3-4 lần) hơn hẳn so với đánh bằng tay

  -> Dông dài một hồi thì tớ nhận thấy, mặc dù sản phẩm có ghi dưỡng ẩm sâu này nọ làm hoang mang mấy đứa da dầu như tớ nhưng do chất giữ ẩm - đúng hơn là giữ nước ở đây là bộ ba HA - SHA - nano HA nên lại phù hợp với da dầu hơn là da khô. Thêm nữa sau khi rửa xong thì tớ lại càng khẳng định sản phẩm rất phù hợp với da dầu vì cho cảm giác sạch nhẹ nhàng, không khô nhưng lại không ẩm quá, tất cả ở mức độ vừa phải. Chỉ lưu ý nhỏ là khi dùng với lưới tạo bọt thì nên điều chỉnh lượng sản phẩm lấy ra sao cho vừa với nhu cầu của da, do lưới tạo bọt tăng khả năng làm sạch của sửa rửa mặt lên đáng kể sẽ gây khô da khi dùng quá liều.

  Thế thôi, lâu lắm mới có sản phẩm làm tớ thấy kì kì khi dùng xong ^^ nhưng nhìn chung là khá ổn!

  ♡ Kết luận

  Ưu điểm:

+ Giá thành rẻ, dễ tìm mua.
+ Độ pH phù hợp.
+ Tạo bọt tốt, khả năng làm sạch ở mức độ khá khi dùng với miếng lưới tạo bọt.
+ Không làm khô da cũng như cung cấp quá nhiều độ ẩm nên phù hợp cho mọi loại da kể cả da dầu lần da khô.

  Nhược điểm:



+ Không dùng miếng tạo bọt thì khá hao

+ Với đứa da dầu nhưng lại có phần khô như má như tớ thì kì vọng em nó ẩm hơn một chút xíu nữa.


  Chấm điểm: 8.5/10





Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Beauty Tips: Xông hơi da mặt - Liệu pháp cải thiện tình trạng mụn ẩn, mụn đầu đen và lỗ chân lông to hiệu quả!

  Xin chào mọi người! Nhằm đa dạng hoá và để cung cấp nhiều thông tin hữu ích (không chỉ là review mỹ phẩm) đến mọi người hơn nên tớ sẽ có nhiều chuyên mục chia sẻ các cách chăm sóc da, các tips làm đẹp, ... mong rằng sẽ có ích cho các cậu trong việc cải thiện da nhé!

  Bài viết hôm nay tớ muốn nói đến vấn đề muôn thủa mà hầu như ai cũng gặp phải, nhất là trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, cùng với làn da dầu "trời ban", đó chính là tình trạng lỗ chân lông to, và các cải thiện bằng phương pháp xông hơi da mặt!



  Lỗ chân lông to ảnh hưởng gì đến làn da?

  Mà như các cậu đã biết da dầu, lỗ chân lông to là điều kiện lý tưởng để các bụi bẩn bên ngoài dễ dàng xâm nhập và dẫn đến tình trạng da dễ nổi mụn, xuất hiện mụn đầu đen, đầu trắng, trông da cũng như bị rỗ do nhìn rõ mồn một lỗ chân lông! Vì vậy mà nhiều người trong đó có tớ cực kì, cực kì quan tâm đến lỗ chân lông!

  Vậy làm thế nào để "se khít lỗ chân lông"?

  Lỗ chân lông thực chất là 1 khoảng trống để lông có thể mọc ra bên ngoài, lỗ chân lông được bao quanh bởi các tế bào da và hoàn toàn không "đóng"-"mở" kiểu cơ học được, có nghĩa là các cậu không thể lợi dụng các tác động cơ học như sự co giãn khi thay đổi nhiệt độ để làm cho lỗ chân lông "se lại". Để đơn gian hơn hãy tưởng tượng lỗ chân lông là một cái miệng bao, khi bao đựng quá nhiều bã nhờn thì miệng bao sẽ tự động to ra, nhưng khi lượng bã nhờn đó được dọn dẹp thì miệng bao cũng tự thu hẹp lại. Vì vậy mà cách hiệu quả nhất để làm lỗ chân lông nhỏ hơn là làm sạch kĩ càng da, mà làm sạch da thì chắc chắn mang lại rất nhiều lợi ích cho da rồi :D 
  


  Tuy nhiên đấy là đối với những bạn lỗ chân lông to do da chưa được làm sạch đúng cách, còn với những bạn lỗ chân lông vốn dĩ đã to (do cơ địa) thì khó khăn hơn để "se lại", nhưng một cách cũng rất hiệu quả (kể cả cho những bạn lỗ chân lông to không do cơ địa) là lợi dụng cấu tạo của lỗ chân lông được bao bởi các tế bào da, khi các tế bào da trở nên "mọng nước" thì kích thước cũng to hơn, vô hình chung lấp đầy lỗ chân lông! Phương pháp này tớ sẽ đề cập ở bài viết sau nhé!

  Trở lại vấn đề làm sạch da, thì chắc hẳn ai cũng nghĩ phương pháp Double Cleansing là hoàn hảo để làm sạch triệt để da, nhưng tớ xin đính chính lại là không gì là tuyệt đối cả. Tuy hàng ngày làm sạch kĩ càng 2 thậm chí 3 bước nhưng tớ vẫn dành ra 1 buổi để xông mặt nhằm lấy bớt lượng bã nhờn và độc tố còn sót lại bên trong da.



  Xông hơi da mặt có tác dụng gì?

  Xông hơi đem lại vô vàn hiệu quả trên da mặt ấy ạ! Dưới đây tớ liệt kê các tác dụng mà tớ nhận thấy khi xông mặt nghen, nếu còn thiếu thì nhớ comment bên dưới cho tớ và mọi người biết nhé!

  + Thứ nhất khi xông hơi nhiệt độ của nước bốc lên sẽ làm da trở nên mềm hơn, hơi nước đồng thời len lỏi sâu vào từng lỗ chân lông để cuốn đi bụi bẩn và độc tố. Bạn nào mà bị ốm xong phải xông hơi cả người chắc chắn là biết được tác dụng đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể của phương pháp này rồi nhỉ! Cực hiệu quả, không phải tốn nhiều tiền đầu tư vào 1 sản phẩm thải độc, hay đi spa hút chì các thứ nhưng tớ nói thật là cũng chưa ai kiểm định được tác dụng thải độc của các sản phẩm mỹ phẩm, hay các máy móc trong spa, tất cả chỉ là "cảm nhận" thì tội gì mình không dùng phương pháp lâu đời từ xa xưa của các cụ nhỉ? 

  + Từ hiệu quả làm sạch bã nhờn nên xông hơi cũng là cứu cánh cho làn da có mụn ẩn đấy ạ! Các cậu mà vẫn e dè tác dụng phụ đẩy mụn be bét của BHA thì thử ngay liệu pháp xông mặt nhé! Đẩy mụn một cách từ từ, còn nhớ hồi lâu tớ dùng BHA nên đã đẩy gần hết mụn, nhưng riêng có vài cục mụn đáng ghét cứ nằm lì dưới da, nên tớ quyết định xông mặt xem sao. Kết quả thì rất khả quan, cứ hôm nay xông mặt xong thì ngày mai mụn ẩn được đẩy lên, mà đẩy rất nhẹ nhàng tình cảm thôi chứ không ào ào, ầm ầm như BHA đâu. Mụn cũng nhanh chính y hệt như với BHA vậy đó!

  +Nhiệt lượng từ hơi nước cũng có tác dụng tích cực trên những vết mụn đang sưng viêm, nó sẽ làm nhân mụn được nhũ hoá, từ đó vết mụn sẽ giảm sưng viêm hơn.

  + Tác dụng thứ hai đến từ nhiệt độ trong quá trình xông mặt, khi xông nhiệt độ cao (tầm 40 độ thôi nhé) sẽ giúp da tuần hoàn máu hiệu quả, từ đó không những làm tăng sinh tế bào da mà còn tăng lượng máu đến nuôi các cơ mặt, làm giảm sự mệt mỏi của cơ, giúp cơ thư giãn, thả lỏng nên tránh được sự xuất hiện nếp nhăn do cơ co kéo. Tuyệt quá phải không?

  + Nếu mà thêm 1 vài giọt tinh dầu hay đơn giản là vài lát chanh, gừng, sả là đã có thể thư giãn tinh thần cực hiệu quả! Tớ phải nhấn mạnh độ thoải mái của bộ não cũng ảnh hưởng rất lớn đến làn da cũng như sức khoẻ, vì nó điều khiển việc sản sinh hormon cho cơ thể mà ^^ Tinh thần sảng khoáng, lượng hormon cũng được ổn định thì dầu nhờn trên da cũng sẽ được kiểm soát đó ạ!

  + Khi xông mặt xong cũng là lúc da rất mềm nên tớ tranh thủ tí ti để nặn các nhân mụn khô và đang trồi đầu lên, cực dễ luôn, gạt nhẹ cái là ra ngay!

  + Sau khi xông xong da mặt đang khá nóng nên tớ dùng phương pháp sốc  nhiệt bằng cách tráng lại da với nước lạnh, cực thích, da được săn lại, căng hơn, lỗ chân lông cũng bé đi tí tẹo!

  + Thêm nữa (Ui! Nhiều công dụng quá đi thôi!) là da được làm sạch nên là lúc sau apply sản phẩm skincare lên rất dễ thấm luôn ấy! 

  Vậy xông hơi như nào cho đúng cách đây?



Đây là các bước xông mặt của tớ, mọi người tham khảo nhé!

Bước 1: Để 1 khay đá, hoặc là đổ nước vào 1 can 2l rồi ném vào tủ lạnh - Nhớ làm sớm nhé ^^

Bước 2: Đun nước, bước này thì đơn giản rồi, dạo gần đây tớ mới có phát minh mới là xông mặt bằng nồi cơm điện ^^ bạn nào hứng thú thì comment tớ sẽ chia sẻ phương pháp nhé! Vừa nhanh vừa tiện lại không phải cúi cúi!

Bước 3: Xông thôi! À quên! Nhớ là phải thực hiện xong tất tần tật các bước làm sạch đi nhé!
Bước 4: (Không bắt buộc) Tớ hay đắp mask đất sét để tranh thủ hút bớt dầu nhờn!

Bước 5: Bước này là BẮT BUỘC nhé! Lôi khay nước đá vừa nãy ra tráng qua mặt trong khoảng 2-3 phút, bước này có tác dụng làm da săn lại, tớ cực thích bước này vì da sốc nhiệt nên săn lại, mát ơi là mát, sảng khoái nữa :3

Nhớ phải tráng lại bằng nước lạnh sau khi xông nhé! Chườm đá cũng ok nhưng mà đừng áp trực tiếp như chị này nha! Phải bọc viên đá bằng 1 miếng khăn mềm để tránh làm rát da nhé <3

  Tớ thấy nhiều bạn kêu là xông hơi xong thì bị nhiều mụn hơn, hay bị bắt nắng, ... :(( thực sự thì không phải như thế, khi xông hơi cũng cần rất nhiều lưu ý phải thực hiện để không bị phản tác dụng!

+ Không xông với nhiệt độ quá nóng! Thường thì tớ hay đun nước sôi lên, rồi để nguội bớt (2-3 phút) rồi đổ ra chậu nước để xông, khi xông cũng phải điều chỉnh khoảng cách của mặt với nước cho phù hợp, do lúc đầu nước còn nóng vì thế không nên để mặt quá gần, hơn nữa cũng cần có thời gian cho da làm quen với sự thay đổi nhiệt độ nên trước hết hãy từ từ điều chỉnh khoảng cách để cảm thấy thoải mái, không bị nóng quá cũng như không xa quá. Càng về sau nước càng nguội nên mọi người cũng chú ý điều chỉnh khoảng cách cho phù hợp nha!

+ Không xông quá lâu hoặc quá ít thời gian! Chỉ xông từ 10-15 phút vào mùa hè, mùa đông có thể kéo dài 20 phút, nhưng tớ nhận thấy xông trong 15' là hợp lí nhất, xông quá lâu sẽ làm da bị quá nóng dễ làm lỗ chân lông to hơn gây phản tác dụng, ngược lại xông quá nhanh thì bã nhờn sẽ không được làm sạch hiệu quả. Trước khi xông mọi người nên căn đồng hồ nhé!

+ Không xông với tần suất dày đặc! Thông thường khi da có vấn đề về mụn ẩn, mụn đầu đen, lỗ chân lông to và các cậu muốn cải thiện nhanh chóng thì lúc mới bắt đầu liệu pháp xông mặt có thể lặp lại 2 lần/ tuần, lưu ý là chia ra để 2 ngày không quá sát nhau nhé! Nhưng cũng chỉ nên áp dụng tần suất xông như vậy trong 2-3 tuần đầu, về sau thì chỉ nên áp dụng 1 lần/ tuần, vì tớ thấy 2-3 tuần là đủ, những tuần tiếp theo do da đã sạch hơn nên chỉ cần 1 lần/tuần để duy trì hiệu quả là ổn! Với bạn nào da nhạy cảm với nhiệt độ thì càng phải cẩn thận hơn, tăng tần suất từ từ để da làm quen nhé! 

+ Xông xong nhớ phải tráng lại mặt bằng nước lạnh nhé! Tuy nhiên không dùng nước quá lạnh, với tớ nước đá thì quá lạnh, tuy là sốc nhiệt da làm da săn lại nhưng nếu nhiệt độ thay đổi quá lớn thì dễ gây rát thậm chí là bỏng lạnh! Nên tớ khuyên mọi người nên dùng 1 chai 2l đổ đầy nước rồi cho vào ngăn mát tủ lanh, chỉ 15-20' sau là đã có nước mát để tráng lại, không lo nước quá lạnh nhé!

+ Không ra đường sau khi xông mặt! Sau khi xông mặt, da trở nên đặc biệt nhạy cảm, rất dễ bám bụi nên tuyệt đối không ra ngoài sau khi xông mặt nếu không muốn bị nổi mụn nhé! Thế nên lời khuyên của tớ là xông mặt vào buổi tối nha!

+ Đặc biệt 1 người bạn của tớ có nói là xông mặt làm cho da dễ bắt nắng, cá nhân tớ thì lúc nào cũng dùng kem chống nắng nên không bị sao cả, vì thế mà các cậu nhớ: "Luôn luôn dùng kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng nhé!"

  Trên đây là những kinh nghiệm của bản thân tớ, chỉ cần bỏ ra 30'/ 1 lần/ tuần để cho làn da được hưởng bao nhiêu là tác dụng thì tội gì không thử nhỉ? Chắc chắn là không thua kém các sản phẩm mỹ phẩm làm se lỗ chân lông hay thải độc đắt tiền, thậm chí là đi spa đâu ạ! Vì liệu pháp này nhắm vào gốc rễ vấn đề để giải quyết! Tớ thấy 1 số loại mỹ phẩm kể cả skincare hay makeup thường nói có thể se lỗ chân lông, nhưng lúc đọc bảng thành phần thì lại có silicone - có tác dụng "lấp đầy" và che đi dấu vết của lỗ chân lông to nên vô hình chung làm chúng nhỏ lại trong tích tắc, nhưng về lâu dài thì hoàn toàn không giải quyết được tình trạng này, thậm chí nếu là loại silicone có cấu trúc phân tử nhỏ có thể len lỏi vào sâu bên trong lỗ chân lông gây bít tắc dẫn đến thêm cả tình trạng mụn ẩn, mụn sưng viêm! Vì thế mà mọi người cân nhắc kĩ trước khi dùng những sản phẩm đó nhé! Tuy nhiên cũng có những loại mỹ phẩm có cơ chế "thu nhỏ" lỗ chân lông khác, vì thế trong bài tiếp theo tớ sẽ đề cập đến phương pháp thứ 2 giúp thu nhỏ lỗ chân lông nhé!